Bài tuyên truyền về việc nhận biết phòng trừ rầy các loại hại lúa Vụ xuân năm 2024
Bài tuyên truyền về việc nhận biết phòng trừ rầy các loại hại lúa Vụ xuân năm 2024
Hiện tại trên các trà lúa rầy trưởng thành đã và đang đẻ trứng, trứng rầy bắt đầu nở, tích lũy mật độ và có khả năng gây hại mạnh từ 29/4 trở đi, mức hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng đến rất nặng gây cháy chòm, cháy ổ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất nếu không phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, đặc biệt trên những ruộng lầy thụt, nhiều bùn lá, những khu đồng thường bị rầy hại nặng ở các vụ các năm trước. Để chủ động phòng trừ sinh vật gây hại lúa vụ Xuân năm 2024, tổ khuyến nông xã Yên Kỳ hướng dẫn phòng trừ như sau:
1. Nhận biết :
+ Rầy nâu: rầy cám khi mới nở màu trắng sữa, tuổi 2 - 3 trở lên có màu nâu vàng, trưởng thành có màu nâu tối. Rầy trưởng thành có màu nâu, dài 3- 5mm, cánh trong suốt.
+ Rầy lưng trắng: rầy cám khi mới nở màu trắng sữa, trông rất giống ấu trùng rầy nâu, nhưng bắt đầu sang tuổi 2 toàn thân rầy có màu xám, giữa bụng ở mặt lưng có một đốm trắng, cuối bụng nhọn hơn phần cuối bụng của rầy nâu. Trưởng thành có một vệt trắng rõ ràng trên lưng ngực và một chấm đen trên mép cánh.
- Cả 2 loại rầy trên trưởng thành đều có hai dạng: Dạng cánh ngắn (cánh ngắn khoảng 2/3 thân) và dạng cánh dài (cánh dài phủ kín bụng). Điều kiện môi trường thuận lợi, thức ăn phong phú thì rầy cánh ngắn xuất hiện nhiều; trong điều kiện không thuận lợi (cuối vụ rầy hết thức ăn) thì rầy cánh dài là chủ yếu. Rầy non có 5 tuổi. Trứng rầu nâu, rầy lưng trắng thường được đẻ vào trong bẹ lá hay gân chính của lá, gần cổ lá.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: thường trú dưới gốc lúa, nhất là các ruộng cấy mau, bón nhiều phân đạm. Chúng thường chích hút trên bẹ, lá lúa làm hình thành các vết màu nâu đậm, nếu bị hại nặng làm cho cây vàng còi cọc, khô héo và chết. Nhiệt độ thích hợp cho rầy phát triển là 25-30oC, ẩm độ 80-85%.
2. Kỹ thuật phòng trừ: Phòng trừ khi mật độ rầy cám trên 2.000 con/m2 (trên 50 con/khóm) giai đoạn lúa trước trỗ hoặc 1.000 con/m2 (trên 25 con/khóm) giai đoạn lúa sau trỗ.
+ Đối với ruộng lúa chưa chín sáp có thể dùng một trong số các loại thuốc như: Auschet 80WP, Comda gold 5WG, Chersieu 50 WG, Midan 10 WP, Hichespro 500WP, Chess 50WG, …
+ Đối với ruộng lúa đang chín sáp thì chỉ dùng thuốc tiếp xúc, ví dụ: Auschet 80WP, Boxing 405EC, Babsax 300WP, ... khi phun cần rẽ băng từ 0,8 - 1m, phun kỹ vào gốc lúa.
Lưu ý: Đối với diện tích lúa đang trỗ thì cần phun thuốc vào trước 8h sáng hoặc sau 16h chiều. Chỉ sử dụng các thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly; Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì đúng nơi quy định của địa phương.
Trên đây là hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa.Kính mong bà con chú ý lắng nghe để biết và hoàn toàn chủ động trong công tác phòng trừ./